Phở là món ngon đặc sản truyền thống của Hà Nội và nhất định phải ăn một lần khi du lịch thủ đô. Thế nhưng nếu muốn thưởng thức phở Hà Nội ngon đúng chất thì nhất định phải tìm đến những quán phở gia truyền lâu năm. Dưới đây là 5 gợi ý về các quán phở cổ truyền ở Hà Nội.

Top 5 quán phở Hà Nội nức tiếng gia truyền

Phở được coi là tinh hoa ẩm thực của Hà Nội. Và người ta vẫn có câu cửa miệng rằng nếu đến Hà Nội mà chưa ăn phở thì có nghĩa bạn chưa đến Hà Nội. Hơn nữa một bữa sáng đặc trưng của người Hà Nội thường gắn liền với phở. Một thức quà đặc biệt mà nhà văn Vũ Bằng đã miêu tả là “ai cũng có thể ăn được”.

Phở gia truyền ở Hà Nội mỗi hàng đều có chất riêng thu hút thực khách

Bạn sẽ dễ dàng để bắt gặp các quán phở với nhiều hương vị khác nhau trên đường phố Hà Nội. Nhưng không phải quán nào cũng ngon và mang đậm hương vị truyền thống. Do đó, hãy cân nhắc đến 5 quán phở Hà Nội ngon nổi tiếng dưới đây . Và gặp 5 người chủ quán để biết được bí quyết nấu phở gia truyền của họ.

  1. Phở Bò Tư Lùn Ấu Triệu

Phở bò gia truyền Tư Lùn có địa chỉ tại số 40 phố Ấu Triệu. Một con phố nằm ngay phía bên phải nhà thờ Lớn Hà Nội từ năm 1996 tới nay. Quán phở Hà Nội nổi tiếng gần xa. Đặc biệt nhất là hai món phở tái nạm và phở tái chín. Chủ tiệm phở là cô Ngô Phi Lan (64 tuổi) đã hơn hai thập niên trực tiếp điều hành, chế biến phở.

“Một ngày làm việc của cô bắt đầu từ 3 giờ sáng, dậy rửa hành, rau, xong đến thái thịt, thái hành, chuẩn bị nước dùng và bày quầy làm phở, đến 6 giờ sáng là cô đã bắt đầu có phở bán cho khách rồi”, cô Lan tỉ mẩn liệt kê lịch trình một ngày làm việc của mình.
Nước dùng phở của quán không trong mà hơi đục, béo ngậy được nấu theo công thức gia truyền 70 năm của phở Tư Lùn.
Hồ hởi chia sẻ thêm về phần khác biệt của nước dùng phở gia truyền của tiệm, cô Lan nói: “Nước phở rất đặc biệt, nó đặc biệt ở chỗ có được vị đậm đà của phở bò ngày xưa.”

Cách ninh xương bò để làm nước dùng ở đây có phần hơi khác so với các quán phở khác. Phần xương ống được đập hai đầu để tuỷ xương ngấm vào nước dùng trong quá trình ninh. Phần thịt, gân bám xung quanh xương không được lọc quá sạch. Đây là một trong những yếu tố làm nên nồi nước dùng đục, béo ngậy và ngọt vị xương.

Phần sợi phở của phở bò số 40 Ấu Triệu nhỏ hơn một chút so với các cửa hàng khác. Nhưng vẫn đảm bảo độ chín mềm vừa phải, không bị nát. Và hơn hết không bị trương trong khi ăn. Một bát phở ngon có giá từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng.

  1. Phở gân Thuỷ Thuỵ Khuê

Phở gân Thủy  có địa chỉ tại số 17 Thụy Khuê, Tây Hồ. Quán phở Hà Nội này có nhiều biến động từ ngày mở của cho tới nay. Vợ chồng anh Lê Xuân Huỳnh là thế hệ thứ hai kế thừa. Và hiện tại vẫn đang điều hành hoạt động của tiệm phở.

Anh Huỳnh cho biết: “Cửa hàng là nghề của ông bà ngoại để lại. Bán từ năm 1990 ở số 2 Thuỵ Khuê. Về sau cái khu số 2 Thuỵ Khuê giải toả thì ông bà không bán nữa.  Vợ chồng anh kế thừa công thức nấu phở. Rồi mở lại cửa hàng ở số 17 Thuỵ Khuê đã được 11 năm. Từ 6h sáng là đã có phở bán cho khách và bán đến 13h30 hàng ngày.”

“Thuỷ là tên của vợ anh, còn phở bò gân bò là từ thời bố mẹ bán là đã có tiếng ở phố Thuỵ Khuê rồi, cho nên là bây giờ sửa sang lại quán thì lấy tên là vợ anh luôn, còn phở bò gân bò đấy là để cho mọi người dễ nhớ”, anh Huỳnh hóm hỉnh lý giải tên của tiệm phở.
Phở bò gân Thuỷ là một trong những quán phở có tiếng trong giới sành ăn.

Anh Huỳnh chia sẻ thêm: “Mỗi một cửa hàng thì đều có một bí quyết riêng. Nguyên liệu gân bò thì có rất nhiều ở trên thị trường. Nhưng mà cái khác biệt là ở cách chế biến.

Phần gân bò của quán ăn giòn nhưng không quá dai. Phần thịt bò tái ăn mềm, ngọt, nồng thơm mùi gừng”. Chỉ với khoảng từ 35.000 đến 50.000 đồng bạn đã có một bát phở gân như ý với công thức đã gần 30 năm tuổi đời.

  1. Phở Khôi hói Hàng Vải

Mọi ngóc ngách Hà Nội đều có sự xuất hiện của phở. Du khách xa gần đến Hà thành luôn có mong muốn thưởng thức hương vị đúng chuẩn nhất. Một gợi ý cho bạn đó là phở Khôi hói Hàng Vải. Xuất hiện ở khu phố cổ từ rất lâu. Phở Khôi hói như một điều quen thuộc với những người sống ở Hà thành lâu năm. Quán tọa lạc tại 50C Hàng Vải, Hoàn Kiếm.

“Phở nhà mình đến nay là mở được 25 năm rồi, chuyên bán phở bò, chuyên đồ về bò hết”, cô Lê Minh Tuyền (54 tuổi) – chủ tiệm phở chia sẻ.
Chữ “hói” trong tên quán Khôi hói có phần liên quan mật thiết tới mái tóc của ông chủ tiệm phở.
“Có những khách trung thành với nhà cô mấy chục năm nay, từ đời bố đến đời con và thậm chí đến đời cháu luôn”, cô Tuyền chia sẻ thêm.

Điều khiến cho phở Khôi hói khác biệt là quán nổi tiếng với món phở bò lõi. Đây là phần thịt hiếm và được xem là ngon nhất của con bò. “Con bò nặng mấy tạ. Nhưng cái lõi của nó cũng chỉ bé xíu như thế này thôi. Nó đắt nhưng mà nó thơm, ngon, ăn nó ngọt, giòn mềm, mọi người rất thích.”, cô Tuyền cho hay.

Ngoài những nguyên liệu tươi ngon đặc biệt thì phần nước dùng được nấu chuẩn theo công thức gia truyền. Tất cả các nguyên liệu, gia vị, nước dùng đều được bày ra phía trước quán.  Thực khách có thể nhìn thấy. Đó cũng là cách gây dựng niềm tin trong lòng thực khách của chủ tiệm phở này. Một bát phở ở đây có giá dao động từ 35.000 đến 60.000 đồng. Một lựa chọn thích hợp để bắt đầu bữa sáng ngày mới.

  1. Phở Thìn Lò Đúc

Phở Thìn Lò Đúc ở số 13 Lò Đúc, Hai Bà Trưng.  Quán phở Hà Nội này đã xuất hiện tại nước ngoài, được lòng khách quốc tế. Ở giữa lòng thủ đô, nhiều gia đình vẫn giữ thói quen ăn sáng tại phở Thìn. Phở bò của quán không nhúng tái như nhiều nơi. Mà áp chảo nhanh với gia vị, tỏi hành thơm phức.  Sau đó mới cho vào bát. Vì thế thịt giữ được độ thơm, vị đậm đà, nước dùng trong phủ thêm lớp mỡ mỏng. Bên trên là hánh lá cắt cọng dài, phủ kín bề mặt. Bao năm qua phở Thìn chỉ phục vụ duy nhất một món ăn như vậy.

Ông Thìn (chủ quán) tự hào chụp ảnh cùng tấm biển tiệm phở là “niềm tự hào” của cả gia đình suốt hơn 8 thập kỉ.
Giá phở Thìn là 65.000 đồng/bát, bức ảnh giá niêm yết được treo phía bên ngoài, ngay lối vào quán nên ai cũng nắm rõ được.
Không gian phía bên trong quán phở Thìn.

Suốt 30 năm qua, phở Thìn Lò Đúc nhận được sự yêu thích của người dân Hà thành. Phở Thìn ngon cốt ở nước dùng. Và độ ngọt đậm đà, nước trong từ ninh xương nhiều giờ. Thịt bò mềm mại, xào chín tới nên không bị dai. Ăn phở Thìn thì không nên bỏ qua các loại gia vị ăn kèm như tương ớt, tiêu xay, nước mắm.

  1. Phở Gà Lâm số 7 Nam Ngư

Bà Đỗ Thị Lâm (74 tuổi) chia sẻ: “Ngày xưa là cửa hàng nhà tôi do mẹ tôi bán từ năm 1970.  Sau khi mẹ tôi mất năm 1995 thì từ năm 1996, chúng tôi tiếp tục kinh doanh. Nối dõi nghề của mẹ để lại. Hiện nay, cửa hàng đã 50 năm kinh doanh hàng phở, chuyên bán phở gà.”

Bà Đỗ Thị Lâm cùng 3 người con trai điều hành tiệm phở gà Lâm tại số 7 phố Nam Ngư. Một con phố nhỏ nối đường Lê Duẩn với phố Yết Kiêu. Bà ngồi đó trước khay “đồ hàng” của mình. Bao gồm thịt gà xé, cánh, phao câu, dây tràng trứng, miếng tim, gan, mề…
Bà Lâm trước quầy phở gà có tuổi đời hơn 50 năm của gia đình.
“Bát phở gà nhà cô khác người là vì cái nước phở và tương ớt, giấm ớt và tương ớt khi cho vào bát phở thì nó ngon, nó dậy mùi lên, khách người ta nói là như thế”, bà Lâm chia sẻ thêm.

Phở gà Lâm nổi tiếng về chất lượng thịt gà. Thịt gà mái ta, da vàng óng, mềm thơm cùng vài cọng lá chanh… Bát phở gà Lâm đầy đặn, nước dùng ngọt lịm, nóng hổi chan lên đủ làm tái đám hành củ, ăn giòn và ngọt.

Tuy nổi tiếng, nhưng giá cả cũng khá dễ chịu: 40.000 đồng/bát đặc biệt. Tùy chọn riêng thì có giá cao hơn. Phở gà Lâm trước đây bán buổi sáng nhưng giờ mở cả ngày. Nhiều thực khách bật mí, nếu muốn ăn phở ngon thì nên canh lúc bà Lâm bán. Có lẽ việc đúng “chất Hà Nội” còn được thể hiện qua biểu tượng con người của quán phở nữa.

Xem thêm những tin tức thú vị khác tại chuyên mục:

Nguồn: Thanhnien.vn