Rau khúc có lẻ là cái tên được ít người biết đến. Chúng có nhiều tên gọi khác nhau như là: hoàng nhung gần, thử khúc thảo, thanh minh thảo, hài nhi thảo….Rau khúc thường mọc ở khắp mọi nơi, tuy nhiên đa phần thường xuất hiện nhiều ở miền Bắc. Trước đây, người dân thôn quê coi loại rau này như một loại rau dại thông thường mọc ven các bờ ruộng, bờ sông. Chỉ thường dùng để làm bánh hay nấu canh. Cái tên bánh khúc ra đời cũng từ loại rau này.
Thế nhưng, ngày nay trong Đông y rau khúc được xem như bài thuốc dân gian có tính bình, vị ngọt đắng. Hỗ trợ trong điều trị phong hàn, ho đờm hay hen suyễn. Để tìm hiểu kỹ hơn về bài thuốc trị ho cảm lạnh từ loại rau này, hãy cùng tham khảo bài viết sau nhé !
Rau khúc, món ăn trị ho hen cảm lạnh
Rau khúc có thể trị dùng trị cảm lạnh sốt, hen suyễn, viêm phế quả. Cải thiện chức năng hệ tiêu hóa, hỗ trợ chữa cao huyết áp…
Rau khúc có tên gọi khác là thanh minh thảo, tên khoa học gnaphalium indicum, thuộc họ Cúc. Cây rau khúc mọc hoang khắp nơi ở những đồng ruộng khô. Lá khúc nếp dùng làm bánh khúc, lá khúc tẻ dùng làm thuốc.
Theo Đông y, rau khúc có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, không độc, đi vào kinh phế. Có tác dụng hóa đàm, trừ phong hàn. Công dụng chữa ho nhiều đờm, suyễn thở, cảm lạnh phát sốt, đau gân cốt hiệu quả.
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ cho rằng. Rau khúc có thể chế biến thành món ăn ngon hoặc dùng làm vị thuốc trong nhiều bài thuốc.
Bài thuốc hay từ rau khúc
Chữa cảm lạnh phát sốt bằng cách dùng toàn cây rau khúc khô 15-20 g, sắc nước uống trong ngày.
Chữa ho nhiều đờm bằng cách lấy rau khúc khô 15-20 g, đường phèn 15-20 g, sắc nước uống trong ngày.
Chữa viêm họng, hen suyễn nghẹt đờm: Lấy 30 g rau khúc khô, gừng 10 g, hành hoa 10 g, sắc nước uống.
Chữa viêm phế quản, suyễn thở do lạnh: Rau khúc khô 15 g, hoàng giới tử 15 g, tiền hồ 9 g, vân vụ thảo 9 g, thiên trúc tử 12 g, tề ni căn 30 g. Sắc lấy nước uống trong ngày, liên tục 5 ngày.
Chữa cao huyết áp: Rau khúc 30 g, lá dâu 20 g nấu canh ăn hàng ngày. Chữa gân cốt sưng đau, chân gối sưng thũng bằng cách lấy toàn cây rau khúc 30-60 g sắc nước uống trong nhiều ngày.
Lá và cành non cây rau khúc giã nát đắp vào những chỗ sưng đau chữa thống phong (bệnh gút).
Toàn cây rau khúc khô 60 g, sắc nước uống trong ngày chữa phù thũng do tỳ hư (chức năng tiêu hóa suy yếu).
Chữa ngộ độc đậu tằm (đậu răng ngựa, đậu la hán): Rau khúc khô 60 g, xa tiền thảo (bông mã đề) 30 g, phượng vĩ thảo (cỏ seo gà) 30 g, nhân trần 15 g, nước 1.200 ml. Sắc cạn còn 800 ml hòa thêm đường uống thay trà trong ngày.
Cách làm bánh khúc
Bánh khúc nhân thịt heo, đậu xanh và lá khúc là loại bánh truyền thống vào dịp Tết nguyên tiêu của người dân miền Bắc. Bánh khúc mềm, thơm lựng mùi lá khúc và nhân đậu xanh. Là món ăn dân dã hấp dẫn đặc biệt khi tiết trời vào Bắc se lạnh.
Nguyên liệu làm bánh khúc gồm 500 g bột nếp, 500 g rau khúc, 300 g thịt sấn vai, 200 g đậu xanh. Cùng với 300 g gạo nếp, 3 củ hành khô, 400 ml nước, gia vị, hạt tiêu.
Bước 1: Thịt sấn vai thái miếng con chì nhỏ, ướp thịt với gia vị, hạt tiêu cho ngấm. Đậu xanh, gạo nếp ngâm nở rồi để ráo.
Bước 2: Đậu xanh chín cho vào cối giã nhuyễn, hành khô bóc bỏ vỏ, bằm nhỏ. Làm nóng dầu ăn trong chảo, cho hành khô vào phi thơm. Đến khi hành vàng thì cho thịt vào đảo cùng. Khi thịt săn lại và ra mỡ thì cho đậu xanh đã giã nhuyễn vào xào cùng.
Bước 3: Đun sôi nồi nước, cho rau khúc vào luộc chín. Vớt riêng phần rau, vắt hết nước, để riêng phần nước này, cho rau vào giã nhuyễn. Trong quá trình giã nếu có cuống rau già, nhiều xơ thì hãy nhặt bỏ đi.
Bước 4: Đổ bột ra mâm, cho nước luộc rau… Và rau đã giã vào nhào kỹ đến khi được thành phẩm bột mịn, không dính tay. Viên đậu xanh xào thịt và phần bột đã nhào thành các viên nhỏ. Dàn mỏng phần bột nếp đã nhồi với lá khúc, cho nhân đậu xanh, thịt vào trong… miết kín lại.
Bước 5: Lăn bánh đã nặn qua gạo nếp, xếp bánh vào nồi, hấp chín. Nếu thích ăn kiểu xôi khúc, chỉ cần ngâm thêm gạo sau đó đổ một lớp gạo vào chõ xôi. Đặt lớp bánh rồi lại phủ lớp gạo, cứ thực hiện đến hết khi chín là được.
Nguồn: vnexpress.net